A small medical forum
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

TIEU CHUAN CHAN DOAN BEO PHI (p1)

Go down

TIEU CHUAN CHAN DOAN BEO PHI (p1) Empty TIEU CHUAN CHAN DOAN BEO PHI (p1)

Post by bluerose Sun Oct 21, 2007 10:48 pm

Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Việt
Nguyễn Văn Tuấn

Tình trạng béo phì trong dân số đang nhanh chóng trở thành một vấn nạn y tế ở các nước đã phát triển. Tháng Giêng năm 2003, trong khi Mĩ đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến Iraq lần thứ II, Tổng giám đốc Y tế Mĩ, Richard Carmona, cảnh báo quần chúng Mĩ rằng nước Mĩ đang ở vào một giai đoạn nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả mối đe dọa của vũ khí tàn phá hàng loạt của Saddam Hussein mà Mĩ khăng khăng tố cáo! Thay vì tập trung vào mối nguy hiểm về vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, ông Carmona khuyên người dân nên nhìn cho rõ mối đe dọa rất thật và chẳng phải ở đâu xa nhưng ở chính nước Mĩ. Mối đe dọa đó là tình trạng béo phì.
Đe dọa là vì tình trạng béo phì (có người cho là “bệnh”) có liên quan đến một số bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch, một số ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, v.v… (Cũng phải mở một dấu ngoặc để nói thêm rằng những mối liên hệ này vẫn còn trong vòng tranh cãi.) Ở Mĩ có thống kê cho rằng mỗi năm có khoảng 300.000 người chết vì béo phì. Dù con số này không hoàn toàn chính xác (thậm chí có vấn đề), nhưng nói chung ai cũng đồng ý béo phì là một mối đe dọa lớn đến dân số ở qui mô quốc gia.
Béo phì còn là một vấn đề y tế lớn trong các nước đang phát triển như nước ta. Kinh nghiệm các nước phát triển khác cho thấy một khi đời sống kinh tế nâng cao và tỉ lệ đô thị hóa tăng nhanh, tỉ lệ béo phì cũng tăng theo. Vì thế, có người ví von gọi béo phì là một “căn bệnh nước giàu”. Ở nước ta ngày nay, càng ngày càng có ít người chết vì những bệnh truyền nhiễm, nhưng càng ngày càng có nhiều người chết vì những bệnh có ít nhiều liên quan đến eo bụng như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, viêm khớp xương, v.v…
Một trong những vấn đề khó khăn ở nước ta cũng như tại các nước đang phát triển khác là vấn đề chẩn đoán béo phì. Phải căn cứ vào cái chuẩn nào, hay tiêu chuẩn nào để chẩn đoán? Body mass index có phải là chuẩn vàng – “golden standard” – hay không? Có thể áp dụng những tiêu chuẩn chẩn đoán đang dùng trong các nước Âu Mĩ cho người Việt chúng ta hay không? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó. Một số số liệu dùng trong bài viết này được trích dẫn từ các bài báo đã công bố và một số là tư liệu (bạn đọc nào muốn trao đổi thêm hay có thêm chi tiết có thể liên lạc trực tiếp với tác giả.)
Tiêu chuẩn vàng DXA
Béo phì (tiếng Anh gọi là obesity) là một tình trạng cơ thể có quá nhiều lượng béo có thể gây tác hại đến sức khỏe. Bởi vì chất béo là một đặc điểm chính của béo phì cho nên cái chuẩn vàng để xác định ai là béo phì và ai không phải là béo phì phải dựa vào chỉ số đo lường chất béo trong cơ thể.
Có nhiều phương pháp đo lường (hay nói đúng hơn là ước tính) lượng béo, nhưng phương pháp chuẩn là dùng máy X quang có tên là Dual-energy X-ray Absorptiometry (DXA). Theo phương pháp này và như tên gọi, máy dùng hai tia X quang chiếu vào cơ thể và dựa vào tín hiệu mà hai tia X-quang phát ra, cùng với một số giả định về sự phân phối hóa chất, người ta có thể xác định có bao nhiêu kílô chất béo, bao nhiêu lượng nạc, bao nhiêu xương, v.v… trong cơ thể.
Lượng chất béo được chia cho trọng lượng cơ thể và nhân cho 100 để cho ra tỉ lệ chất béo (TLCB) trong cơ thể. Tính trung bình TLCB trong cơ thể biến đổi theo từng độ tuổi và giới tính. Phụ nữ có TLCB cao hơn đàn ông. Người càng cao tuổi càng có TLCB càng tăng. Nhưng tính cho toàn dân số, TLCB trong người Âu Mĩ có thể biến đổi từ 15% đến 60%, và giá trị trung bình từ 20% đến 30%. TLCB quá cao hay quá thấp đều được xem là thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hiểm. Chẳng hạn như những người có TLCB dưới 10% được xem là “dưới trung bình”, hay “không lành mạnh”.
Dựa vào mối liên hệ giữa TLCB và xác suất tử vong cũng như một số nguy cơ bệnh tật khác trong dân số Tây phương, các nhà nghiên cứu đề ra hai tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì. Theo tiêu chuẩn này, bất cứ người đàn ông nào có TLCB cao hơn 25% hay bất cứ phụ nữ nào có TLCB cao hơn 35% được xem là “béo phì”. Có thể nói đây là tiêu chuẩn vàng (golden criteria) để chẩn đoán béo phì vì giới y khoa thế giới nói chung đều nhất trí, không ai tranh cãi thêm về giá trị và sự hợp lí của nó.
Nhưng cái khó khăn ở đây là máy DXA thường rất đắt, không phải phòng mạch bác sĩ hay cơ sở y khoa nào cũng có. Ngay ở các nước giàu có như Mĩ chỉ có các bệnh viện lớn và các trung tâm y tế lớn mới có máy này. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi người sử dụng phải trải qua một khóa huấn luyện về công nghệ và kĩ thuật đo lường, chứ không phải ai cũng làm được (và trong thực tế đã có nhiều trường hợp diễn dịch sai kết quả DXA). Tại các nước nghèo hơn ở Á châu máy này càng ít hơn nữa. Chẳng hạn như ở Việt Nam, số bệnh viện và trung tâm khám bệnh có trang bị máy DXA chỉ đếm đầu ngón tay. Ở Thái Lan, một nước có nền kinh tế và y tế khá hơn Việt Nam, số bệnh viện có trang bị máy DXA cũng chỉ khoảng 1% trên cả nước.
Sự ra đời của “Body mass index”
Vấn đề đặt ra, do đó, là tìm cách dùng các chỉ số nhân trắc để ước tính TLCB mà không cần đến máy DXA. Ai cũng biết trọng lượng cơ thể con người gồm 4 phần: chất nạc, chất béo, xương và các mô liên kết (connective tissues), và nước. Ai cũng một khuynh hướng chung là trọng lượng con người tăng theo tỉ số thuận với chiều cao: người càng cao càng có trọng lượng cao. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao không dùng trọng lượng và chiều cao để ước tính TLCB? Qua nhiều nghiên cứu, như chiều cao và trọng lượng, các nhà nghiên cứu đi đến một công thức đơn giàn: lấy trọng lượng chia cho chiều cao bình phương. Họ gọi tỉ số này là body mass index (BMI), mà tôi tạm dịch là chỉ số béo (nhưng tôi vẫn dùng cách viết tắt BMI trong bài vì cách viết tắt này rất thông dụng trong y học). Cách tính cụ thể của chỉ số này như sau: Ví dụ như người viết bài này cân nặng 70 kg và chiều cao là 1,7 m; do đó, chỉ số béo = 70 / (1,7 x 1,7) = 24,2 kg/m2.
Vì chỉ số béo có mối tương quan khá cao với TLCB, và từ đó giới y khoa có một con đường tắt: thay vì dùng máy DXA để đo TLCB, họ chỉ dùng BMI. Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa BMI và sức khỏe rất đồ sộ, và tôi không thể nào tóm gọn đầy đủ trong bài viết này, vì kết quả không hoàn toàn nhất quán với nhau. Tuy nhiên, dựa vào một số kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh tật và chỉ số béo trong người Âu Mĩ, giới y khoa phân loại chỉ số béo thành 4 nhóm như sau (1):
Bảng số 1. Tiêu chuẩn phân định trọng lượng cho người Âu Mĩ
Tình trạng BMI
Thiếu cân (under-weight) <18.5
Bình thường (normal) 18.5 – 24
Quá cân (over-weight) 25 – 30
Béo phì (obese) >30
Theo bảng phân loại này, bất cứ một người Âu Mĩ nào, nam hay nữ, có chỉ số BMI cao hơn 30 kg/m2 sẽ được xem là “béo phì”. Để bạn đọc có thể hình dung ra thế nào là béo phì, tôi xin lấy một ví dụ cụ thể: Giả dụ như một người đàn ông có chiều cao 1,7 m, nếu ông có trọng lượng 90 kg thì ông sẽ được xem là béo phì; nhưng nếu trọng lượng giảm xuống 80 kg thì “quá cân”. Còn một phụ nữ Âu Mĩ cao trung bình 1,65 m sẽ được chẩn đoán béo phì nếu trọng lượng của người đó cao hơn 82 kg; nhưng nếu trọng lượng chỉ 45 kg thì một chẩn đoán “thiếu cân” sẽ áp dụng.
Trong người Âu Mĩ hiện nay, cứ 3 người lớn (trên 20 tuổi) thì có 2 người hoặc là quá cân hoặc là béo phì (tức BMI cao hơn hoặc bằng 25). Đó là một tỉ lệ rất cao. Điều đáng lo ngại hơn là tỉ lệ này tăng gấp 2 lần so với thập niên 1960s. Có người tiên đoán rằng với đà tăng này, khoảng 40 năm nữa, 100% dân Mĩ sẽ quá cân hay béo phì. Đó cũng chính là lí do tại sao giới y tế trong các nước Tây phương đánh giá béo phì là một cơn đại dịch, một mối đe dọa đến sự sinh tồn của một dân số!
Mặc dù BMI được dùng rất rộng rãi, nhưng cũng bị chỉ trích rất nhiều. BMI không thể là một chỉ số vàng để chẩn đoán béo phì, vì nó không phản ảnh chính xác tình trạng béo phì. Hai người A và B có thể có cùng BMI, nhưng tỉ lệ chất béo hoàn toàn khác nhau, vì có thể A có nhiều chất nạc, trong khi đó B có nhiều chất béo, và BMI không phân biệt nạc hay béo. Chẳng hạn như nếu dùng BMI để chẩn đoán quá cân hay béo phì, thì các nhân vật như Brad Pitt, George Clooney, và Michael Jordan đều được xem là “quá cân” cả! Thêm nữa, nếu dùng chỉ số BMI > 30 thì các tài tử như Sylvester Stallone và tay chơi bóng rổ Sammy Sosa được xem là béo phì!
bluerose
bluerose

Posts : 43
Join date : 2007-10-14
Location : TP.HCM

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum